Cảnh sát giao thông là gì? Quyền hạn và nghĩa vụ của CSGT

Ngày đăng: 02-07-2024 11:23:53

Hẳn trong chúng ta ai cũng từng thấy lực lượng cảnh sát giao thông thường mặc đồng phục màu vàng đứng tại các ngã ba, ngã tư để hướng dẫn người tham gia giao thông điều khiển phương tiện di chuyển sao cho không bị kẹt xe, tắc đường. 

Ngoài ra, công an giao thông còn tiến hành kiểm tra hành chính hoặc xử phạt người vi phạm luật giao thông. Cũng có rất nhiều trường hợp người dân nhìn thấy công an giao thông mặc thường phục cải trang và lập chốt bắt lỗi vi phạm. Vậy cảnh sát giao thông là gì? Cùng tìm hiểu về quyền hạn và nghĩa vụ của công an giao thông trong bài viết này nhé.
 

Cảnh sát giao thông là gì? Quyền hạn và nghĩa vụ của CSGT
 

Cảnh sát giao thông là gì?

Cảnh sát giao thông hay còn gọi là công an giao thông hoặc nhân viên giao thông là lực lượng thực thi pháp luật chuyên đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.

Cảnh sát giao thông thực hiện nhiều chức năng quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông cũng như duy trì trật tự xã hội. Họ là lực lượng nòng cốt, chủ công trong việc thực hiện các nhiệm vụ điều tiết giao thông, kiểm soát vi phạm, phòng ngừa, giải quyết, điều tra tai nạn giao thông.

Cảnh sát giao thông có những quyền hạn gì?

Cảnh sát giao thông (CSGT) có nhiều quyền hạn được quy định bởi pháp luật nhằm đảm bảo an toàn và trật tự giao thông trên các tuyến đường. Dưới đây là một số quyền hạn chính của CSGT:

► Được quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dừng xe và kiểm tra giấy tờ: giấy tờ của phương tiện; giấy tờ của người điều khiển phương tiện; giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát.

► Được quyền xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực: giao thông đường bộ, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

► Được quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật như: tạm giữ giấy phép lái xe, giấy tờ liên quan đến phương tiện; người điều khiển phương tiện hoặc ngồi trên phương tiện có hành vi vi phạm pháp luật.

► Được quyền yêu cầu các cá nhân, đơn vị, cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, các trường hợp gây mất trật tự an toàn giao thông.

► Trong một số trường hợp cụ thể, CSGT được phép sử dụng vũ khí và các công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông, cũng như để ngăn chặn các hành vi vi phạm nghiêm trọng.

► Được quyền trưng dụng các phương tiện giao thông, các phương tiện thông tin liên lạc, các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức, người điều khiển phương tiện và sử dụng chúng theo quy định của pháp luật.

► Được quyền phân luồng, phân tuyến, nơi dừng đỗ phương tiện và đình chỉ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đi lại theo mệnh lệnh của mình khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

► Trong các trường hợp công an giao thông bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc trường hợp đấu tranh phòng chống tội phạm khi tình hình an ninh trật tự hoặc trật tự an toàn giao thông phức tạp thì việc làm trên hoàn toàn đúng. Tuy nhiên việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải tuân thủ các điều kiện mà các đơn vị có thẩm quyền triển khai kế hoạch đưa ra.
 

Công an giao thông
 

Nghĩa vụ của lực lượng công an giao thông

Ngoài những quyền hạn, công an giao thông còn phải làm tròn nghĩa vụ của mình để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cụ thể, nghĩa vụ của lực lượng công an giao thông như sau:

► Thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử phạt hành chính với những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

► Thực hiện thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt hành chính với những hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ.

► Thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.

► Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

► Thực hiện các kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được các cơ quan ban ngành, các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

► Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc phạm vi địa bàn tuần tra, kiểm soát đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

► Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.

► Hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường bộ.

► Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông, tổ chức cấp cứu người bị nạn, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

► Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động trên phương tiện giao thông đường bộ thuộc địa bàn được phân công theo quy định của pháp luật.
 

Lực lượng cảnh sát giao thông
 

Những khó khăn, thách thức mà cảnh sát giao thông phải đối mặt

Mặc dù có những quyền hạn và nghĩa vụ đặc biệt, nhưng cảnh sát giao thông vẫn phải thường xuyên đối mặt với những khó khăn, thách thức như sau:

- Khối lượng công việc lớn: Cảnh sát giao thông phải làm việc liên tục, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết và giờ cao điểm khi lưu lượng giao thông tăng cao. Họ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau đòi hỏi sự hiện diện 24/7 để đảm bảo an toàn giao thông.

- Môi trường làm việc khắc nghiệt: Lực lượng công an giao thông phải làm việc ngoài trời trong mọi điều kiện thời tiết, từ nắng nóng đến mưa bão. Họ cũng phải tiếp xúc với khói bụi, tiếng ồn và các yếu tố ô nhiễm khác từ phương tiện giao thông.

- Nguy cơ đối mặt với tình huống nguy hiểm: CSGT có thể gặp nguy hiểm khi điều tiết giao thông tại các điểm nguy hiểm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu. Ngoài ra, khi xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm giao thông, buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, CSGT có nguy cơ bị tấn công hoặc phản kháng từ những người vi phạm.

- Sự kỳ vọng của cộng đồng và trách nhiệm xã hội: Xã hội đòi hỏi CSGT phải công bằng, minh bạch trong mọi hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm. Họ phải duy trì hình ảnh tốt và tạo được sự tin tưởng từ người dân.

- Khó khăn về hạ tầng giao thông: Một số khu vực có hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ, đèn tín hiệu giao thông chưa được lắp đặt đầy đủ, gây khó khăn trong việc điều tiết giao thông. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM làm tăng thêm áp lực cho CSGT.

- Phương tiện giao thông đa dạng: Số lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng, bao gồm xe máy, ô tô, xe tải, xe điện,... gây khó khăn trong việc kiểm soát. Các loại phương tiện khác nhau yêu cầu các biện pháp quản lý và điều tiết khác nhau.

- Chống đối lực lượng chức năng: Một số người vi phạm giao thông có hành vi chống đối, không hợp tác hoặc thậm chí tấn công CSGT khi bị kiểm tra, xử phạt. 
 

Cảnh sát giao thông
 

Có thể thấy, công an giao thông là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an toàn và trật tự giao thông, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh. Bên cạnh việc được thực hiện những điều nằm trong quyền hạn thì lực lượng cảnh sát giao thông còn có nghĩa vụ phải làm tròn những trách nhiệm của mình để bảo vệ cho trật tự an toàn giao thông đường bộ. Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết của Sao Tháng Năm!

Tham khảo thêm:

Icon Sao Tháng Năm Đèn tín hiệu giao thông màu vàng có được vượt qua không?

Icon Sao Tháng Năm Văn hóa giao thông là gì? Thực trạng và biện pháp xây dựng

Icon Sao Tháng Năm Những vi phạm an toàn giao thông thường gặp và mức xử phạt

Bài viết liên quan

Copyright © saothang5.com | Thiết Kế Website: Phương Nam Vina
0937333616