Quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh chóng và đi kèm với đó là những tác động tiêu cực không lường trước đến môi trường. Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là lượng khí thải khổng lồ từ hoạt động giao thông vận tải hàng ngày, làm cho tình trạng ô nhiễm không khí trên toàn cầu ngày càng trở nên đáng lo ngại. Trước thực trạng này thì việc xây dựng giao thông xanh và sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường được xem là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường sống cũng như hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Giao thông xanh là việc sử dụng các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường, không tạo ra khí thải CO2 và các chất độc hại khác nhằm bảo vệ sức khỏe của con người. Các phương tiện như xe đạp, xe máy, ô tô điện hay ô tô chạy bằng khí nén CNG hoặc sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió đều được coi là phương tiện tham gia giao thông xanh.
Dự án giao thông xanh đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Pháp,.... Trong đó, Hà Lan khuyến khích sử dụng xe đạp thay vì các loại xe cơ giới, còn thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã hoàn toàn cấm xe máy và khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng. Ngoài ra, những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh cũng xây dựng nhiều điểm cho thuê xe đạp với giá hợp lý để thúc đẩy việc sử dụng phương tiện công cộng thay vì ô tô cá nhân. Song song với đó, Pháp cũng đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và đầu tư phát triển cho hệ thống xe đạp điện.
Ở Việt Nam, hầu hết mọi người đã quen thuộc với việc sử dụng các phương tiện như xe máy, ô tô,... dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra và khí thải cũng ngày càng gia tăng. Để giảm bớt lượng khói bụi độc hại từ hoạt động giao thông, nước ta cần chủ trương áp dụng giao thông xanh vào cuộc sống một cách nhanh chóng. Bởi lẽ tiêu chí giao thông xanh mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường như:
Theo các số liệu thống kê, nếu tiếp tục khai thác và sử dụng tài nguyên như hiện nay thì trữ lượng dầu mỏ, khí tự nhiên trên toàn cầu chỉ đủ dùng trong khoảng hơn 50 năm nữa, trong khi trữ lượng than đá còn chỉ đủ cho 113 năm.
Tại Việt Nam, với tốc độ khai thác hiện tại, dự kiến còn khoảng 34 năm cho dầu mỏ, 63 năm cho khí tự nhiên và chỉ 4 năm cho than đá. Những con số này cho thấy áp lực lớn lên tài nguyên thiên nhiên nếu không có sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của con người. Với thực trạng như vậy, phát triển dự án giao thông xanh được cho là một giải pháp hoàn hảo để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và khí tự nhiên, đồng thời giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính.
Sử dụng các phương tiện xanh sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch tự nhiên, từ đó giảm chi phí khai thác và xử lý môi trường cho quốc gia. Nhìn chung, việc xây dựng mạng lưới giao thông xanh và hạ tầng ổn định sẽ giúp Việt Nam tự chủ về nguồn nhiên liệu mà không phải nhập khẩu lượng xăng dầu lớn từ các quốc gia khác.
Đồng thời, phát triển các loại xe công cộng sử dụng năng lượng sạch cũng giảm lượng phương tiện cá nhân, giúp giảm chi phí mở rộng và xây dựng hạ tầng giao thông mới. Nhờ đó, chính phủ có thể tiết kiệm ngân sách nhà nước để đầu tư vào những lĩnh vực khác quan trọng hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.
Theo dự đoán, ngành vận tải đường bộ có thể chiếm khoảng đến 85% tổng lượng khí phát thải nhà kính vào năm 2030. Quá trình khai thác, sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang gây ra những ảnh hưởng lớn tới môi trường. Do đó, việc chọn lựa các phương tiện giao thông xanh sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, giúp giảm tiếng ồn và không phát thải các khí độc hại.
Quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng phương tiện động cơ đốt trong sang xe “xanh” là một hành trình đòi hỏi nhiều thời gian và sự cam kết. Hiện nay, trong nhiều thành phố lớn của Việt Nam, tinh thần sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường đang được lan tỏa nhanh chóng và nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng dân cư.
Quá trình triển khai các dự án giao thông xanh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã được Sở Giao thông vận tải thực hiện song song với việc truyền thông và thi hành thực tiễn để dần dần thay đổi nhận thức của cộng đồng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều dự án giao thông xanh và môi trường thân thiện đã được triển khai nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm ô nhiễm tiếng ồn trong đô thị đông đúc này, đồng thời mang lại sự đa dạng cho hệ thống giao thông công cộng cũng như thay đổi thói quen của người dân. Theo đó, dự án xe đạp công cộng chính thức vận hành từ tháng 12/2021, đặc biệt thu hút sự tham gia đông đảo của các đối tượng như du khách, học sinh, sinh viên, các cặp đôi,....
Trong quý I năm 2022, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã thí điểm hoạt động 5 tuyến xe buýt điện. Với những ưu điểm như sử dụng năng lượng sạch, không gây ra tiếng ồn và khí thải từ động cơ,... xe buýt điện đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra một cảnh quan giao thông mới.
Tại Hà Nội, Ban An toàn giao thông thành phố đã hợp tác với Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Sinh thái VinBus để thúc đẩy hoạt động truyền thông bằng chương trình thực tế "Chặng đường xanh". Chương trình này bao gồm 20 tập, hội tụ nhiều ngôi sao đình đám, được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia và những trang mạng xã hội uy tín. Theo đó, người tham gia sẽ được đi xe buýt điện VinBus đến các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội để hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử và ẩm thực của Thủ đô, qua đó tuyên truyền cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện giao thông xanh. Không chỉ vậy, chương trình còn giúp nâng cao trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Mặc dù được đánh giá mang lại nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên trong việc bảo vệ môi trường và phát triển giao thông hiện đại nhưng quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh vẫn đối mặt với nhiều trở ngại. Hiện nay, người dùng thường chỉ sử dụng ô tô điện cho các quãng đường ngắn như uống cà phê, đi chơi, dạo phố, chứ không sử dụng phương tiện giao thông này để di chuyển với những quãng đường xa. Nguyên nhân chính đến từ tâm lý e ngại về pin sạc, thời gian sạc pin, sự không thuận tiện của các điểm sạc pin cùng với các chi phí phát sinh như phải thuê pin,....
Trong thời gian tới, việc mà tất cả chúng ta đều có thể làm là chuyển dần sang sử dụng các phương tiện giao thông xanh một cách từ từ và liên tục bởi vì mọi nỗ lực dù nhỏ nhất cũng sẽ góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Ví dụ, khi bạn định mua một chiếc ô tô mới, hãy cân nhắc lựa chọn một chiếc ô tô hybrid hoàn toàn chạy bằng pin. Hoặc nếu bạn muốn đặt xe công nghệ hãy chọn SM Xanh thay vì Grab hay Bee.
Ngoài ra, một cách khác để thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông xanh là đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng dịch vụ giao thông công cộng, đặc biệt là khi đi đến văn phòng hoặc trường đại học.
Trên đây là nội dung mà Sao Tháng Năm muốn chia sẻ đến bạn về giao thông xanh là gì, những cơ hội và khó khăn khi áp dụng mô hình này vào thực tế. Nhìn chung, Chính phủ và cộng đồng toàn cầu luôn quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường và vì vậy, nhiều dự án giao thông xanh được triển khai để giải quyết những thách thức này. Tuy nhiên, nếu muốn giao thông xanh đi vào cuộc sống hàng ngày thì cơ quan có chức năng cần thực hiện các hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ hơn để thúc đẩy thay đổi trong suy nghĩ và hành vi của người dân, từ đó hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tham khảo thêm:
Tất tần tật về hệ thống đèn giao thông thông minh
Hé lộ 12 phương tiện giao thông trong tương lai gần
Văn hóa giao thông là gì? Thực trạng và biện pháp xây dựng