Giao thông đô thị là gì? Vai trò của hệ thống giao thông đô thị

Ngày đăng: 08-09-2023 04:12:10

Xây dựng hệ thống giao thông đô thị là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ GTVT để hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông an toàn, bền vững. Vậy hệ thống giao thông đô thị là gì? Vai trò của giao thông đô thị đối với đường xá tại Việt Nam như thế nào? Theo dõi bài viết này để cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.


Giao thông đô thị là gì? Vai trò của hệ thống giao thông đô thị

 

Giao thông đô thị là gì?

Giao thông đô thị được nhận định là hệ thống quan trọng nhất trong số các loại hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay và bao gồm có hai thành phần chính, bao gồm:

- Mạng lưới giao thông: gồm mạng lưới đường giao thông trong đô thị, hệ thống nhà ga, cảng, các tuyến sông rạch cho giao thông thủy,... bến bãi hàng hóa, hệ thống bãi đậu xe, bến xe.

- Nhu cầu giao thông: đối tượng chính là những hành khách hoặc hàng hóa được vận chuyển trên các phương tiện giao thông, ví dụ như xe máy, ô tô, xe bus, ghe, tàu,....

Sự hình thành và phát triển của giao thông đô thị

Hệ thống giao thông đô thị bắt đầu được hình thành và phát triển qua 4 giai đoạn sau:

- Giai đoạn giữa kỷ XIX về trước: đây là giai đoạn mà hệ thống giao thông vẫn còn phát triển chậm, đường xá đơn giản, phương tiện thô sơ và chủ yếu là dựa vào sức gió hay sức của súc vật để kéo. Vào cuối thời kỳ này, mặc dù đường sắt đã được xây dựng nhưng người ta vẫn sử dụng ngựa để kéo là chủ yếu.

- Giai đoạn từ thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XIX: hệ thống giao thông đô thị trong giai đoạn này đã được áp dụng các thành tựu của động cơ hơi nước, hệ thống đường sắt có động cơ cũng đã được xuất hiện. Điều này đã góp phần đưa các đô thị phát triển mạnh mẽ, nhiều nơi dân số chưa tới 1.000 người đã tăng vọt tới 2 triệu. Chiều rộng của đô thị cũng từ 2 - 3 km lên tới 10 - 12km.

- Giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX: giai đoạn này thì hệ thống giao thông đường sắt sử dụng năng lượng điện và hệ thống tàu điện bánh sắt đã ra đời để thay thế cho động cơ hơi nước. Giải pháp này giúp tàu điện tiết kiệm được nhiên liệu, bảo vệ môi trường và có giá thành rẻ. Cũng vào cuối giai đoạn này thì ô tô cũng đã bắt đầu xuất hiện.

- Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX cho đến nay: đây được xem là giai đoạn mà hệ thống đường ô tô đã bắt đầu phát triển nhanh. Nhờ tính cơ động và sự nhanh nhẹn mà ô tô cũng trở thành phương tiện chiếm vai trò chính trong hệ thống giao thông đô thị. Vào năm 1930 thì tàu điện ngầm lần đầu tiên cũng đã được xuất hiện.


Giao thông đô thị
 

Vai trò của giao thông đô thị đối với cuộc sống con người

Vai trò của giao thông đô thị trong đời sống hiện nay đang ngày càng thể hiện một cách rõ rệt qua những lợi ích thiết thực, cụ thể:

- Giúp cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ và xử lý tốt các sự cố giao thông khẩn cấp.

- Hiện đại hóa các trạm thu phí điện tử, hệ thống kiểm soát tải trọng tự động.

- Tiết kiệm tối đa thời gian, nhiên liệu, tiền bạc, tạo điều kiện tốt nhất cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.

- Hạn chế tối đa các tai nạn, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

- Góp phần sản xuất các phương tiện thông minh, cũng như nâng cao hiệu quả của các thiết bị an toàn giao thông.

- Quản lý các tuyến đường chính, cũng như điều tiết sự di chuyển của các phương tiện trên đường bằng những biển báo điện tử.

- Tạo hệ thống thông tin cho người đi bộ và phổ biến văn hóa khi tham gia giao thông. Hỗ trợ khai thác, vận hành hệ thống giao thông một cách chủ động, linh hoạt.

Các loại hình giao thông đô thị

Dựa vào tính chất của mối quan hệ giữa giao thông và đô thị, người ta đã tiến hành quy định về đường giao thông đô thị thành hai loại sau:

1. Giao thông đối ngoại

Giao thông đối ngoại là giao thông giữa các thành phố với các vùng phụ cận và địa phương, hoặc cũng có thể là sự liên hệ giao thông giữa các đô thị với nhau, giữa đô thị cùng với bên ngoài hay giữa đô thị với các vùng khác trong nước.

Tùy thuộc vào tình hình, quy mô và vị trí địa lý của các vùng đô thị mà chúng ta có thể áp dụng một số loại hình giao thông đô thị như:

- Giao thông đường bộ: là hệ thống giao thông được xây dựng trên mặt đất gồm đường, hầm đường bộ, cầu đường bộ, bến phà đường bộ. Đây cũng là loại hình thường được sử dụng nhất mà không cần phải qua trung chuyển, thiết bị vận tải đơn giản, cự ly di chuyển ngắn, dễ thích ứng với mọi trường hợp và có xu hướng gia tăng nhanh chóng về cả chất lượng lẫn số lượng. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm đèn tín hiệu giao thông đường bộ, biển báo hiệu, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, vạch kẻ đường, cọc tiêu / tường bảo vệ và rào chắn. Một số phương tiện phổ biến lưu thông trên đường bộ gồm có: ô tô, xe máy, bus, xe đạp, ô tô điện, xe đạp điện,....

- Giao thông đường thủy: là kiểu giao thông trên nước và có thể vận chuyển số lượng hành khách, hàng hóa lớn đi được quãng đường xa. Tuy nhiên, loại hình giao thông này lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên và khí hậu, tốc độ di chuyển cũng không nhanh. Chúng bao gồm các loại phương tiện như: tàu, đò, thuyền, cano, ghe,....

- Giao thông đường sắt: là loại hình có các đường ray và thanh thép chạy song song được đặt cố định xuống nền, có sức chở lớn, tốc độ cao và vận chuyển được đường dài, ít xảy ra tai nạn và ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, khí hậu. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho giao thông đường sắt lại khá lớn, diện tích chiếm nhiều và dễ gây trở ngại cho hoạt động đô thị. Một số phương tiện phổ biến của loại hình này gồm có: tàu điện, tàu lửa, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm,....

- Giao thông đường hàng không: là các loại máy bay trên bầu trời và chúng đang trở thành phương tiện giao thông quan trọng với khả năng chở số lượng khách hàng lớn, nhiều hàng hóa, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi hoạt động ,lớn và thích hợp cho việc vận tải đường dài.

2. Giao thông đối nội

Giao thông đối nội giúp đảm bảo việc lưu thông giữa các khu vực trong thành phố và được gọi là giao thông đô thị. Hoạt động giao thông đối nội sẽ bao gồm việc vận tải hành khách, hàng hóa với các nhiệm vụ cụ thể như:

- Vận chuyển các nguyên vật liệu để phục vụ cho việc sản xuất, vận tải các loại hàng hóa phục vụ đời sống của nhân dân trong vùng.

- Vận tải hành khách để phục vụ cho các nhu cầu đi lại, di chuyển của người lao động từ nhà tới nơi làm việc; các học sinh, sinh viên đến trường; phục vụ nhu cầu đi tham quan của khách du lịch cùng một số hoạt động khác.


Vai trò của giao thông đô thị
 

Gam màu sáng - tối trong giao thông đô thị và những nỗ lực trong quy hoạch

Không thể phủ nhận rằng tại Việt Nam, nhờ quá trình đô thị hóa trong nhiều thập kỷ mà các đô thị trong nước đã có nhiều sự thay đổi từ diện mạo cho đến chất lượng bên trong. Tuy nhiên, thực tế thì hệ thống giao thông đô thị tại các thành phố lớn nói riêng và thực trạng giao thông đô thị của nước ta vẫn còn thiếu tính kết nối, cũng như chưa thật sự nổi trội, vững chắc.

Số lượng và chất lượng của kết cấu hạ tầng giao thông đô thị cũng đang ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực, chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó chính là lý do vì sao mà mỗi năm, nhà nước không ngừng đưa ra những giải pháp khác nhau để xử lý tình trạng này, cụ thể:

- Đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng: xây dựng và cho mở rộng mạng lưới xe bus, tàu cao tốc để làm giảm thiểu áp lực trên đường bộ, giảm tình trạng ô nhiễm không khí.

- Đẩy mạnh việc quản lý điều hành giao thông: xây dựng các trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị gắn liền với cơ sở dữ liệu kết nối để giám sát hành trình của các phương tiện như: camera giao thông, trụ đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu,....

- Đầu tư vào hạ tầng giao thông: xây dựng thêm đường và cầu, cải thiện chất lượng đường xá, xây dựng các hầm chui để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông.

- Quản lý giao thông và xử lý vi phạm nghiêm túc hơn: tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm giao thông và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, đảm bảo tuân thủ theo luật giao thông.

- Giáo dục và tạo nhận thức về an toàn giao thông: tăng cường các hoạt động giáo dục về h than toàn giao thông tại các trường học trên cả nước, đẩy mạnh các những chiến dịch quảng cáo để tạo ra một tinh thần, sức mạnh chung cho việc tuân thủ quy tắc giao thông.


Thực trạng giao thông đô thị
 

Trên đây là những thông tin mà Sao Tháng Năm muốn chia sẻ về hệ thống giao thông đô thị. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ nắm rõ những kiến thức về giao thông đô thị và vai trò của chúng trong trật tự an toàn giao thông hiện nay.

 

Bài viết liên quan

Copyright © saothang5.com | Thiết Kế Website: Phương Nam Vina
0937333616