Đường quốc lộ là gì? Phân biệt quốc lộ và các loại đường bộ

Ngày đăng: 09-12-2023 10:08:08

Chắc chắn bất kì ai cũng đã từng ít nhất một lần nghe qua cụm từ "quốc lộ" trong cuộc sống hằng ngày. Đây là một loại đường quan trọng không chỉ giúp xe cộ lưu thông thuận tiện, góp phần trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước. Vậy đường quốc lộ là gì và làm thế nào để phân biệt nó với các loại đường khác? Hãy cùng khám phá chi tiết để giải đáp về những vấn đề này trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
 

Đường quốc lộ là gì? Phân biệt quốc lộ và các loại đường bộ
 

Đường quốc lộ là gì?

Quốc lộ (Highᴡaу / National Highᴡaу) là mạng lưới đường bộ nối liền thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền với cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính trên đường bộ; những tuyến đường đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng và khu vực.

Các đường quốc lộ ở Việt Nam được đánh dấu bằng kí hiệu là QL.x trên bảng trắng, chữ màu đen. Cụ thể, QL cần được viết in hoa, và số và chữ phía sau mô tả tên của tuyến đường, được ngăn cách với QL bằng dấu chấm. Ví dụ điển hình cho các tuyến quốc lộ có thể kể đến như QL.1K, QL.N1, QL.50.

Quy định đấu nối vào đường quốc lộ

Theo quy định của pháp luật thì những loại đường được phép đấu nối vào quốc lộ là:

- Đường chuyên dùng.

- Đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị.

- Đường gom.

Cần lưu ý rằng việc đường nhánh kết nối vào quốc lộ phải tuân theo quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải. Cơ quan quản lý đường bộ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ thực hiện thống kê và lên kế hoạch xử lý phù hợp với quy hoạch các điểm đấu nối.

Các đường từ nhà ở chỉ được phép đấu nối vào quốc lộ thông qua đường nhánh và khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối sẽ dựa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, thiết kế nút giao của đường nhánh đấu nối vào quốc lộ phải tuân thủ Tiêu chuẩn Quốc gia về đường ô tô.

Theo quy định của pháp luật, việc đấu nối đường nhánh vào quốc lộ sẽ được thực hiện thông qua quá trình xây mới, cải tạo, nâng cấp, nắn chỉnh tuyến hoặc xây dựng tuyến tránh ngay từ bước đầu lập dự án. Các chủ đầu tư dự án cần dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xác định vị trí và quy mô của các điểm giao (nút giao đồng mức và nút giao khác mức liên thông hoặc trực thông).

Đối với đường nhánh đang khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ xác định quy hoạch các điểm đấu nối dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch phát triển giao thông vận tải của địa phương.
 

Đường quốc lộ là gì?
 

Phân biệt quốc lộ với các loại đường bộ khác

Theo Điều 39 của Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, hệ thống đường bộ sẽ được phân chia thành 6 loại là: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng.

1. Đường quốc lộ

Như đã nói ở phần trước, quốc lộ là hệ thống đường đặc biệt kết nối thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính của 3 địa phương trở lên, đường liên kết đến cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí chiến lược giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của vùng, khu vực.

2. Đường tỉnh

Đường tỉnh là hệ thống đường kết nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của các tỉnh lân cận hoặc trung tâm hành chính của huyện; tuyến đường có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của các tỉnh thành.

3. Đường huyện

Đường huyện là loại đường kết nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của của huyện lân cận hoặc trung tâm hành chính của xã, cụm xã; đường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của huyện.

4. Đường xã

Đường xã là mạng lưới đường kết nối giữa trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và các đơn vị tương đương hoặc đường kết nối với những xã lân cận; đường giữ vị trí chiến lược trong việc thúc đẩy sự phồn thịnh kinh tế - xã hội của địa phương.

5. Đường đô thị

Đường đô thị là các con đường nằm trong ranh giới địa chính của khu vực nội thành và nội thị, được đánh dấu bằng đường đỏ xây dựng có chức năng phục vụ việc di chuyển của người hoặc phương tiện giao thông. Trên đường đô thị, ngoài phần được sử dụng cho việc đi lại thì chủ đầu tư cũng có thể trồng cây xanh, bố trí đèn chiếu sáng, làm trụ đèn tín hiệu giao thông cũng như các hạ tầng ngầm và trên mặt đất. 

6. Đường chuyên dùng

Đường chuyên dùng được thiết kế đặc biệt để phục vụ cho việc vận chuyển và di chuyển của một hoặc một số tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân cụ thể. Quyết định về hệ thống đường chuyên dùng kết nối vào quốc lộ sẽ do chủ đầu tư sở hữu đường chuyên dùng thực thi sau khi đã thương lượng và nhận được sự chấp nhận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
 

Quốc lộ
 

Đường quốc lộ được chạy bao nhiêu km/h?

Tốc độ tối đa cho phép các phương tiện cơ giới tham gia giao thông tại khu vực đông dân cư (ngoại trừ đường cao tốc) được quy định như sau:

- Trên đường đôi hoặc một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: không vượt quá 60 km/h.

- Trên đường hai chiều hoặc một chiều chỉ có một làn xe cơ giới: tốc độ tối đa là 50 km/h.

- Đối với xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện), xe máy chuyên dùng và các loại phương tiện tương tự: không vượt quá 40 km/h.

Tốc độ tối đa cho phương tiện cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư (ngoại trừ đường cao tốc) được quy định như sau:

- Xe ô tô con, xe ô tô chuyên chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải ≤ 3,5 tấn:

+ Tối đa 90 km/h trên đường đôi và đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên.

+ Tối đa 80 km/h trên đường hai chiều và đường một chiều có một làn xe cơ giới.

- Xe ô tô chuyên chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc):

+ Tối đa 80 km/h trên đường đôi và đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên.

+ Tối đa 70 km/h trên đường hai chiều và đường một chiều có một làn xe cơ giới.

- Xe mô tô, ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn bê tông, ô tô trộn vữa):

+ Tối đa 70 km/h trên đường đôi và đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên.

+ Tối đa 60 km/h trên đường hai chiều và đường một chiều có một làn xe cơ giới.

- Ô tô kéo rơ moóc; ô tô trộn bê tông; ô tô trộn vữa; ô tô kéo xe khác; ô tô xi téc:

+ Tối đa 60 km/h trên đường đôi và đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên.

+ Tối đa 50 km/h trên đường hai chiều và đường một chiều có một làn xe cơ giới.
 

Đường quốc lộ
 

Như vậy qua bài viết này, Sao Tháng Năm đã chia sẻ đến bạn khái niệm đường quốc lộ là gì và cách phân biệt nó với những loại đường khác trong hệ thống giao thông đường bộ. Hy vọng rằng qua nội dung cung cấp trên, bạn đã có cái nhìn tổng quan về đặc điểm và vai trò của đường quốc lộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. 

Tham khảo thêm:

Icon Sao Tháng Năm Hành lang đường bộ và những quy định cần biết

Icon Sao Tháng Năm Điểm danh các loại đường giao thông đường bộ ở Việt Nam

Icon Sao Tháng Năm Đèn tín hiệu giao thông đường bộ | Ý nghĩa, Mẫu mã, Báo giá

Bài viết liên quan

Copyright © saothang5.com | Thiết Kế Website: Phương Nam Vina
0937333616